Chị gọi điện, khóc nức nở. Đứa con trai duy nhất đang học đại học của chị vừa bị đuổi vì tội trốn lớp, chơi game và nợ quá nhiều tín chỉ. Chị không thể tưởng tượng được điều đó lại xảy ra với mình. Chị là hiệu trưởng một trường Trung học có tiếng ở thành phố. Chị thấy xấu hổ vì mình đi dậy con người ta mà con mình thì không dậy nổi. Nhưng tai hại hơn nó còn vay tiền lãi cao mà chị và chồng phải nghiến răng đi trả. Khi bị phát hiện, nó quỳ dưới chân chị và khóc. Nó bảo nó bị bạn lừa, nhờ vay tiền đóng học phí. Nhưng chị dò hỏi biết nó chơi game nhiều, tụ tập bạn bè nhiều, ăn nhậu nhiều nên vay tiền tiêu pha. Chị không ngờ thằng con trai học giỏi, hiền lành giờ lại có thể “văn vở” lừa cả bố mẹ nó. Chị hối hận vì không giám sát nó, vì đã từng tin những cám dỗ và rủi ro đầy rẫy ngoài xã hội là của con nhà người ta chứ không thể rơi vào con nhà chị.
Anh gọi điện, buồn bã. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của anh đã đội nón ra đi theo những khoản đầu tư của chị. Hai vợ chồng mới về hưu chẳng có việc gì làm cũng buồn nên chị giao du với một số bạn cũ đang làm kinh doanh trong thị xã. Nghe chị tỉ tê anh đồng ý mang toàn bộ số tiền giành dụm sau hơn ba chục năm công tác cho bạn chị vay với lãi suất cao. Mỗi tháng, chị mang về gần hai chục triệu, cuộc sống gia đình trở nên khá giả. Một ngày, anh hoảng hốt không thấy sổ đỏ đâu hỏi thì chị bật khóc. Chị nói chị bị bạn lừa. Họ nói làm ăn đang cần nhiều tiền nên xui chị thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng rồi cho họ vay lại với lãi suất cao hơn. Vì sợ mất khoản tiết kiệm nên chị đã giả chữ ký của anh thế chấp sổ đỏ. Nhưng giờ mất cả chì lẫn chài vì bạn chị đã trốn biệt tăm, mang theo số nợ của hàng chục người. Anh bàng hoàng vì sau mấy chục năm công tác giờ tay trắng kèm khoản nợ kếch xù trong ngân hàng. Nhìn đứa con gái vừa đi làm về, anh rùng mình không biết sắp tới gia đình sẽ ở đâu khi ngân hàng đến xiết nợ. Giọng trầm ngâm, anh bảo tưởng chuyện này chỉ xảy ra với người ta ai dè cũng xảy đến với gia đình mình.
Đứa bạn thân gọi điện, hoảng hốt. Chồng nó vừa phát hiện bị nhiễm HIV. Trước đây thấy chồng phải đi đêm về khuya tiếp khách nó cũng bực mình nhưng tặc lưỡi vì công việc nên vẫn thương anh. Mấy tháng nay thấy anh hay mệt mỏi, sốt nên nó bắt anh đi khám. Như sét đánh bên tai khi biết kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Anh quỳ khóc vì đôi lần tiếp khách, họ yêu cầu có gái nên anh cũng chiều. Rượu say xỉn nên anh cũng không nhớ mình dùng bao cao su hay không nữa. Căn nhà năm tầng bỗng dưng trống rỗng, nó thấy tương lai sụp đổ. Bác sĩ bảo nó đi xét nghiệm vì có thể anh đã lây bệnh cho nó. Bao nhiêu vất vả sớm hôm, bao nhiêu tranh giành đấu đá bỗng dưng chỉ còn tương lai đen tối. Nó nghe nhiều về việc dùng gái để tiếp khách làm ăn, nó nghe nhiều về HIV và bệnh lậu. Nhưng nó không ngờ một ngày tai họa này lại giáng lên đầu nó.
Những câu chuyện buồn ngày càng nhiều và hiện lên rất rõ. Trước đây, tôi chỉ đọc trên báo chí, nghe nói ở ngoài chợ, và thấy sao xã hội lắm trái ngang. Chuyện bi hài là chuyện của người ta, ở đâu đó xa xôi, không gắn với khuôn mặt ai tôi quen biết. Nhưng giờ đây tôi bỗng thấy nó rất gần. Nó xảy ra với người thân mình, nó xảy ra với bạn bè mình, và tôi rùng mình lo sợ vì nó cũng có thể xảy ra với gia đình tôi.
Tôi nhận ra, chúng ta đang sống chung trong một môi trường xã hội, giống như những con cá sống chung trong hồ, dù là Trắm hay Mè, dù là Trôi hay Chép, đã sống chung thì đều bị ảnh hưởng bởi môi trường nước. Chúng ta không thể kệ những tệ nạn, nhũng nhiều, rủi ro tràn lan trong xã hội mà mong rằng bản thân mình, gia đình mình không bị ảnh hưởng.
Tôi giật mình lo lắng liệu đây có phải là tính xấu của người Việt không? Chúng ta chỉ lo dọn sạch rác trong nhà, còn xả bừa bãi ra vỉa hè, đường phố. Chúng ta trồng rau sạch cho gia đình mình nhưng bán rau phun thuốc trừ sâu cho người khác, để rồi lại là nạn nhân của thịt cá tẩm ướp hóa chất. Chúng ta hành người khác khi họ phải nhờ vả mình, và rồi lại phong bì phong bao khi nương cậy họ. Chúng ta quên rằng mình đang cùng nhau làm ô uế môi trường mình sống, và rồi một ngày nhận ra mình là nạn nhân của chính sự vô cảm, vô trách nhiệm với cái chung.
Nhấc cái điện thoại, tôi gọi điện cho thằng con trai xem cháu đã đi học về chưa. Tôi thở phào vì nó đang ăn cơm trưa cùng bố để đầu giờ chiều tham gia nhóm tình nguyện giúp trẻ em ung thư trong bệnh viện. Tự nhủ mình cần phải quan tâm đến mọi người hơn, và cái chung hơn, tôi mở cửa, cầm chổi quét vỉa hè. Gặp bác hàng xóm vừa đi làm về, tươi cười tôi chào hỏi. Tiện cái chổi lia qua cả vỉa hè nhà bác trước cái nhìn ngạc nhiên. “Quét cho sạch chung bác ạ”, tôi mỉm cười đón nhận cái nhìn ấm áp. Trời đầu Đông se lạnh, tôi thấy ấm trong lòng. Hít một hơi dài cảm nhận sự tươi mát của không gian trời đất. Tôi biết mình cần phải thay đổi gì để môi trường sống của con trai tôi tốt hơn!
Ảnh: thanh niên tham gia sự kiện "dance for kindness" ở Hà Nội (nguồn: iSEE)
Anh gọi điện, buồn bã. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của anh đã đội nón ra đi theo những khoản đầu tư của chị. Hai vợ chồng mới về hưu chẳng có việc gì làm cũng buồn nên chị giao du với một số bạn cũ đang làm kinh doanh trong thị xã. Nghe chị tỉ tê anh đồng ý mang toàn bộ số tiền giành dụm sau hơn ba chục năm công tác cho bạn chị vay với lãi suất cao. Mỗi tháng, chị mang về gần hai chục triệu, cuộc sống gia đình trở nên khá giả. Một ngày, anh hoảng hốt không thấy sổ đỏ đâu hỏi thì chị bật khóc. Chị nói chị bị bạn lừa. Họ nói làm ăn đang cần nhiều tiền nên xui chị thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng rồi cho họ vay lại với lãi suất cao hơn. Vì sợ mất khoản tiết kiệm nên chị đã giả chữ ký của anh thế chấp sổ đỏ. Nhưng giờ mất cả chì lẫn chài vì bạn chị đã trốn biệt tăm, mang theo số nợ của hàng chục người. Anh bàng hoàng vì sau mấy chục năm công tác giờ tay trắng kèm khoản nợ kếch xù trong ngân hàng. Nhìn đứa con gái vừa đi làm về, anh rùng mình không biết sắp tới gia đình sẽ ở đâu khi ngân hàng đến xiết nợ. Giọng trầm ngâm, anh bảo tưởng chuyện này chỉ xảy ra với người ta ai dè cũng xảy đến với gia đình mình.
Đứa bạn thân gọi điện, hoảng hốt. Chồng nó vừa phát hiện bị nhiễm HIV. Trước đây thấy chồng phải đi đêm về khuya tiếp khách nó cũng bực mình nhưng tặc lưỡi vì công việc nên vẫn thương anh. Mấy tháng nay thấy anh hay mệt mỏi, sốt nên nó bắt anh đi khám. Như sét đánh bên tai khi biết kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Anh quỳ khóc vì đôi lần tiếp khách, họ yêu cầu có gái nên anh cũng chiều. Rượu say xỉn nên anh cũng không nhớ mình dùng bao cao su hay không nữa. Căn nhà năm tầng bỗng dưng trống rỗng, nó thấy tương lai sụp đổ. Bác sĩ bảo nó đi xét nghiệm vì có thể anh đã lây bệnh cho nó. Bao nhiêu vất vả sớm hôm, bao nhiêu tranh giành đấu đá bỗng dưng chỉ còn tương lai đen tối. Nó nghe nhiều về việc dùng gái để tiếp khách làm ăn, nó nghe nhiều về HIV và bệnh lậu. Nhưng nó không ngờ một ngày tai họa này lại giáng lên đầu nó.
Những câu chuyện buồn ngày càng nhiều và hiện lên rất rõ. Trước đây, tôi chỉ đọc trên báo chí, nghe nói ở ngoài chợ, và thấy sao xã hội lắm trái ngang. Chuyện bi hài là chuyện của người ta, ở đâu đó xa xôi, không gắn với khuôn mặt ai tôi quen biết. Nhưng giờ đây tôi bỗng thấy nó rất gần. Nó xảy ra với người thân mình, nó xảy ra với bạn bè mình, và tôi rùng mình lo sợ vì nó cũng có thể xảy ra với gia đình tôi.
Tôi nhận ra, chúng ta đang sống chung trong một môi trường xã hội, giống như những con cá sống chung trong hồ, dù là Trắm hay Mè, dù là Trôi hay Chép, đã sống chung thì đều bị ảnh hưởng bởi môi trường nước. Chúng ta không thể kệ những tệ nạn, nhũng nhiều, rủi ro tràn lan trong xã hội mà mong rằng bản thân mình, gia đình mình không bị ảnh hưởng.
Tôi giật mình lo lắng liệu đây có phải là tính xấu của người Việt không? Chúng ta chỉ lo dọn sạch rác trong nhà, còn xả bừa bãi ra vỉa hè, đường phố. Chúng ta trồng rau sạch cho gia đình mình nhưng bán rau phun thuốc trừ sâu cho người khác, để rồi lại là nạn nhân của thịt cá tẩm ướp hóa chất. Chúng ta hành người khác khi họ phải nhờ vả mình, và rồi lại phong bì phong bao khi nương cậy họ. Chúng ta quên rằng mình đang cùng nhau làm ô uế môi trường mình sống, và rồi một ngày nhận ra mình là nạn nhân của chính sự vô cảm, vô trách nhiệm với cái chung.
Nhấc cái điện thoại, tôi gọi điện cho thằng con trai xem cháu đã đi học về chưa. Tôi thở phào vì nó đang ăn cơm trưa cùng bố để đầu giờ chiều tham gia nhóm tình nguyện giúp trẻ em ung thư trong bệnh viện. Tự nhủ mình cần phải quan tâm đến mọi người hơn, và cái chung hơn, tôi mở cửa, cầm chổi quét vỉa hè. Gặp bác hàng xóm vừa đi làm về, tươi cười tôi chào hỏi. Tiện cái chổi lia qua cả vỉa hè nhà bác trước cái nhìn ngạc nhiên. “Quét cho sạch chung bác ạ”, tôi mỉm cười đón nhận cái nhìn ấm áp. Trời đầu Đông se lạnh, tôi thấy ấm trong lòng. Hít một hơi dài cảm nhận sự tươi mát của không gian trời đất. Tôi biết mình cần phải thay đổi gì để môi trường sống của con trai tôi tốt hơn!
Thu Hiền
Đăng nhận xét