JSON Variables

Khi miếng ăn lên ngôi

Làng tôi người đông, đất chật, cách biệt trung tâm. Đất khó nuôi người nên muốn đổi đời, người phải tha phương lập nghiệp. Nhưng đến cuối năm, đã thành lệ, thế nào người cũng hồi hương ăn Tết. Xa mấy, họ cũng gắng về. Vậy mà năm ngoái, lệ cũ đã có dấu hiệu thay đổi. Tết năm ngoái, làng thưa vắng hẳn. Lứa bạn của tôi, tuy đã hẹn nhau là cuối năm cùng về nhưng rồi mỗi người một ngả. Anh cả tôi, người đang sống ở nước ngoài mà năm nào cũng về, năm ngoái chỉ về ít ngày trước Tết rồi vội đi ngay. Anh bảo: “phải lướt nhanh để ... tránh Tết”. Lạ lùng quá phải không các bạn? Khi tìm nguyên nhân của điều lạ lùng này, tôi mới biết rằng: sự ê hề của tiệc tùng ngày Tết đã khiến nhiều người sợ và không muốn về làng như mọi khi. Bạn đã bao giờ trải qua một tình huống tương tự như thế chưa? Về phần mình, tôi thấy nỗi sợ ấy thật thú vị và thật đáng để chúng ta cùng suy ngẫm - nhất là ở thời điểm mà một mùa xuân mới nữa lại sắp về.

Khi miếng ăn lên ngôi
Ảnh: Nhậu đã trở thành văn hóa gây hại cho sự phát triển của đất nước? (Nguồn: internet)

Thực ra, không phải đến Tết, nông thôn mới chao chan tiệc tùng. Tết chỉ là cao điểm của một quá trình vốn đã diễn ra từ trước. Khoảng mười năm gần đây, “văn hóa” tiệc tùng đã lặng lẽ thấm sâu vào mọi ngõ ngách của xã hội nông thôn, chi phối nếp nghĩ, thói quen, lối sống của con người ở đó. Nói cách khác, trong môi trường nông thôn hiện tại, miếng ăn đang lên ngôi. Miếng ăn trước hết là đối tượng để con người nhấm nháp, thưởng thức như một thú vui. Khi những niềm vui dần khan hiếm giữa cuộc đời, con người càng trân quý niềm vui bình dị ấy. Nhưng miếng ăn còn sắm nhiều vai khác. Người ta mượn miếng ăn để trả những nghĩa vụ bất thành văn nhưng được xem là bắt buộc với cộng đồng, để quên đi sự bất lực của con người trước thực tại, để mở rộng mạng lưới xã hội, để thực hiện các tính toán lợi ích, để biểu lộ sự thỏa mãn với hạnh phúc nhỏ nhoi đang có, để khẳng định “đẳng cấp” trong một xã hội nông thôn đang không ngừng phân hóa ...

Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp tiệc tùng ở khắp nơi. Tiệc trong hội trường công sở, tiệc ở nhà hàng, tiệc trong gia đình, tiệc trong các không gian tâm linh, tiệc ở các khuôn viên công cộng. Tiệc tùng nở rộ vì có quá nhiều lí do để người ta làm tiệc. Bên cạnh các lí do “cổ điển” như hội họp, tiếp khách hay các đám hiếu, hỉ (giỗ trạp, cưới xin, ma chay, mừng thọ, tân gia), đã có thêm nhiều sáng kiến mới được phát minh và ứng dụng: sinh nhật, chẵn tháng, thôi nôi, đậu Đại học, rửa xe, rửa điện thoại, lên chức, lên lương, lên bằng, vào biên chế, về thăm quê, nhập ngũ, đi xuất khẩu lao động, khánh thành nghĩa trang gia đình, kể cả khánh thành khu chăn nuôi ... Theo nguyên tắc có đi có lại, tiệc tùng được tổ chức luân phiên giữa các thành viên trong một nhóm xã hội nhất định. Mà ở nông thôn thì có cơ man nào là nhóm: thông gia, nghề nghiệp, địa vực, tuổi tác, lợi ích hay sở thích ... Với đủ loại hình nhóm như vậy, mật độ tổ chức tiệc và tham dự tiệc diễn ra đều đặn quanh năm.

Khi đã vô tình hay cố ý tham gia vào một nhóm nào đó, người ta luôn tự ý thức về nghĩa vụ trả “nợ miệng” đối với các thành viên còn lại dù đôi khi, phải khó khăn lắm mới tìm ra một lí do chính đáng. Ở quê tôi, có một ông chủ tịch thường xuyên được mời tham gia cỗ bàn của anh em đồng nghiệp. Ngặt một nỗi, gia đình ông ta có quá ít sự kiện để làm tiệc: ông bà nội ngoại vẫn đang khỏe, các con đang ở tuổi học hành. Cuối cùng, ông nghĩ ra một cách: cáng đáng việc làm giỗ ông bà nội thay cho bố mẹ. Vậy là vẹn cả đôi đường: vừa có lí do để mời khách vừa được tiếng hiếu thuận với song thân. Nhưng cỗ bàn của ngài chủ tịch thì tất nhiên không thể tuyềnh toàng. Thế nên, ông quyết định làm một cuộc rõ “hoành tráng”: một con bê nụ nẫm và vài chục mâm cỗ thịnh soạn. Sự chơi sang của ông chủ tịch đã kích thích anh em đồng nghiệp. Công thức cỗ bàn của gia đình ông được lấy làm điển hình cho các sự kiện tương tự. Và đến nay, chỉ sau một thời gian ngắn, công thức ấy đã được nhân rộng khắp địa phương.

Tiệc tùng triền miên đã tạo nên biết bao gánh nặng cho người trong cuộc, đặc biệt là đối với tầng lớp thu nhập thấp. Sự thật, nhiều gia đình ở nông thôn phải bấm bụng để làm một bữa tiệc cho bằng xóm, bằng làng. Cái còn lại sau một bữa tiệc, ngoài sự khen chê của xóm làng là những khoản nợ trắng mặt. Tiệc to bao nhiêu, nợ nhiều bấy nhiêu. Theo tính toán của các bà nội trợ, chi phí để mua một con bê làm cỗ gần bằng một nửa nguồn thu nhập trong một năm của một hộ nông dân chăm chỉ. Cùng với gánh nặng tài chính là gánh nặng về thân xác và tinh thần do phải mất nhiều thời gian và công sức của nhiều người, đặc biệt là của người phụ nữ để hoàn tất một bữa tiệc. Ai cũng hiểu những gánh nặng ấy nhưng không mấy người có ý thức thay đổi. Lí do: dư luận xóm làng. Khi một người định làm khác hoặc sống khác so với tập tục của cộng đồng, điều họ lo ngại nhất là những phản ứng tiêu cực từ dư luận. Đối với một gia đình, một dư luận xấu cũng nặng nề không kém một hình phạt vật chất. Cho nên, người ta thà chấp nhận khoát nước theo mưa còn hơn là đối diện với thứ hình phạt không hay đó.

*****

Bạn nghĩ gì trước sự lên ngôi của miếng ăn trong khung cảnh nông thôn hiện nay? Mà không chỉ nông thôn: hình như, nó còn là câu chuyện của cả nước. Ngẫm mà xem, có nơi nào trên đất nước ta lại đang không la đà trong cỗ bàn, ăn uống?! Gần đây, tôi tình cờ đọc được một nhận định rất đáng chú ý của một nhà kinh tế học. Sau một cuộc điều tra ở nhiều nước đang phát triển, ông đi đến kết luận: nếu một cộng đồng dành khoảng 90% thu nhập cho việc ăn uống và các nhu cầu vật chất thì cộng đồng ấy vẫn đang ở một trình độ văn minh rất có hạn. Vì sao vậy? Vì xu hướng chi tiêu của cộng đồng ấy cho thấy họ quá xem nhẹ đời sống văn hóa tinh thần - điều tất yếu dẫn đến sự cằn cỗi tinh thần của xã hội. Ở đây, văn hóa tinh thần được hiểu là những hoạt động, những kỹ năng, những thói quen góp phần vun bồi, thanh lọc đời sống nội tâm và góp phần mở rộng nhận thức của con người về chính mình và thế giới. Cũng theo tác giả, một cộng đồng cằn cỗi tinh thần thường thiếu ý tưởng, thiếu động lực phát triển, thiếu sức sáng tạo, thiếu sự khoan dung và rất khó đạt đến “cảnh giới” văn minh. Không rõ là người Việt chúng ta dành bao nhiêu phần trăm thu nhập để đáp ứng các nhu cầu sinh tồn nhưng với sự nở rộ của văn hóa tiệc tùng như hiện nay, chắc hẳn, miếng ăn và rộng hơn là các biểu hiện vật chất đang thực sự trở thành một giá trị, một chuẩn mực, một lí tưởng được số đông hưởng ứng, tụng ca và khao khát.

Trong khi đó, ở các xã hội văn minh, có một quan niệm hoàn toàn ngược lại. Với họ, sự đầy đủ về vật chất là điều kiện tối thiểu, đương nhiên của con người. Con người không phải lo nghĩ về miếng cơm, manh áo cũng tương tự như việc con người sinh ra để được hít thở khí trời vậy. Cho nên, trách nhiệm đầu tiên của nhà nước và xã hội là đảm bảo cho mỗi người dân đạt được điều kiện tối thiểu, đương nhiên ấy. Từ nền tảng này, thông qua quá trình đào tạo của gia đình, nhà trường và xã hội, con người tiếp tục hoàn thiện các kĩ năng khác và trở nên trưởng thành, để rồi có thể “vào đời” như một công dân đàng hoàng, tự tin. Cũng như nhiều nhà nhân văn chủ nghĩa khác, Các Mác rất quan tâm đến mẫu người này và đã diễn đạt nó bằng những khái niệm hết sức trìu mến: “con người đích thực” hoặc “con người giải phóng”. Theo Mác, con người đích thực là con người trước hết được giải phóng khỏi các gánh nặng vật chất cùng các gánh nặng vô hình của truyền thống, có tư duy độc lập, có ý thức cộng đồng và thường xuyên phản tư về những vấn đề của cá nhân và xã hội. Phản tư để không ngừng điều chỉnh, làm mới (refreshing) giữa một thế giới không ngừng đổi thay. Một đặc điểm đáng chú ý nữa của “con người đích thực” là anh ta có một đời sống tinh thần rất phong phú. Dĩ nhiên, sự phong phú tinh thần của từng cá nhân sẽ thúc đẩy sự phong phú tinh thần của toàn xã hội. Đời sống tinh thần của xã hội càng phong phú thì sức sáng tạo của nó càng dồi dào và càng có nhiều cơ hội để bứt phá. Bởi lẽ, không phải các loại tài nguyên tự nhiên, mà sức sáng tạo của con người, của nguồn lực nhân văn mới là loại tài nguyên quý giá nhất của một xã hội, là nền tảng quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia.

Rõ ràng, miếng ăn và các điều kiện vật chất chỉ là nền tảng, là bước chuẩn bị để con người sống một cuộc sống “cho ra con người”. Tiếng Việt phân biệt rất rõ giữa “giàu” và “sang”. “Giàu” đã đành là quý nhưng “giàu” chưa phải là tất cả. “Giàu” chỉ mới là điều kiện cần để đi đến một mục đích khác: “sang”. Người “sang” là người biết sử dụng các thế mạnh của “giàu” để làm cho bản thân trở nên trí tuệ hơn, lịch lãm hơn, thú vị hơn, từ bi hơn, nói tóm lại là làm cho con người trở nên tốt đẹp nhất một cách có thể. Ngược lại, sùng bái cái “giàu” trần trụi hay đề cao thái quá các biểu hiện vật chất đều là những biểu hiện lệch lạc, hời hợt trong nhận thức và lối sống, là nguồn cơn của sự tha hóa, cùn mòn, tẻ nhạt, đơn điệu của con người.

Mùa xuân này, chúng tôi muốn có một trải nghiệm khác. Năm nay, làng sẽ phục hồi Tết trồng cây. Thanh niên sẽ cùng ngồi lại để thảo luận vấn đề lập nghiệp. Một nhóm các bà sẽ làm lễ phóng sinh ở bến nước trung tâm của làng. Họ đang ao ước một ngày nào đó, ngôi chùa làng được phục dựng trở lại. Mẹ tôi kể, trong giấc mơ đêm qua, bà nghe một tiếng chuông chùa từ xa vọng lại. Tiếng chuông trầm ấm, thăm thẳm, vang vọng khắp bốn bề hư không.
Đặng Hoàng Giang

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn