Nhiều độc giả chia sẻ sự sợ hãi, e dè lẫn bức xúc khi chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển hay đi trên cùng làn đường.
Cuối tuần qua, vụ tai nạn thương tâm do tài xế xe buýt mất kiểm soát gây ra tại thành phố Thanh Hóa làm 2 người tử vong khiến dư luận dậy sóng. Không chỉ tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, xe buýt lưu thông tại TP.HCM cũng vướng nhiều vụ bê bối. Nhiều người sử dụng phương tiện công cộng này không chỉ chứng kiến các vụ tai nạn liên quan đến mạng người, mà họ còn trở thành nạn nhân trong các vụ tấp bến bất chợt, đóng cửa khi hành khách chưa kịp lên xe và lấn tuyến.
Độc giả Trí Nguyễn chia sẻ nỗi ám ảnh khi di chuyển trên cùng làn đường với xe buýt. Anh viết: “Đang chạy xe mà gặp xe buýt, tôi thường muốn dừng xe lại cho nó đi đâu xa rồi mới dám chạy. Tuyến đường cho phép chạy 40-50 km/h nhưng xe buýt toàn ‘kéo’ 60-70 km/h vào giờ cao điểm. Đi xe buýt được truyền thông là bảo vệ môi trường, nhưng tôi thấy xe buýt xả khói gấp mấy chục chiếc xe máy. Đây đúng là hung thần xa lộ”.
Độc giả Thu Trang cho biết, xe buýt thuận tiện cho nhiều người nhưng các tài xế chuyên chạy ẩu, phóng nhanh. “Tôi không biết các anh lái xe nghĩ kịp giờ quan trọng đến mức nào, nhưng đến giờ phút này, nó đang trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi cho mọi người đi đường. Khủng khiếp! Nếu đường phố Việt Nam nơi nào cũng phân làn rõ ràng xe lớn, xe nhỏ như đường Nguyễn Văn Linh chẳng hạn, những tai nạn thương tâm sẽ không còn nữa”, chị nói thêm.
Là nạn nhân trong một lần đón xe buýt, LeiLa Nguyễn kể, đến giờ cô vẫn rất sợ hãi khi leo lên xe buýt. Khoảng đầu năm 2008, cô và bạn học đang bước lên xe thì xe chạy luôn, cô bạn bị kẹp vào chân và suýt bị kéo đi nếu cô không tóm giật lại. Bây giờ, mỗi lần bước lên xe buýt, cô lại có cảm giác sợ hãi.
Một bạn đọc tên Vi cũng thuật lại câu chuyện của cô: “Một lần tôi suýt chết vì xe buýt tranh khách đâm vào mình. May mắn là tôi tránh nhanh được nhưng cánh tay tôi bị đập vào đầu xe. Tôi chẳng biết khuyên các bạn điều gì ngoài việc phải tự bảo vệ mình trước bằng cách thấy xe buýt từ xa hãy lo tránh đi hoặc nhường đường cho nó, đừng cố tranh đi trước làm gì”.
Độc giả Sug góp ý: “Không chỉ ở Thanh Hóa, tại Hà Nội cũng thế, xe buýt chạy rất ẩu. Tôi thấy xe buýt là tránh xa trước, nhường cho nó. Mỗi lần xe chạy vào bến toàn cắt mặt người đi đường. Tôi bị cắt mặt mấy lần nên sợ lắm”.
Xe buýt liên tục gây ra tai nạn thương tâm do nhiều nguyên nhân, trong đó, lỗi do tài xế chạy ẩu là một phần, một phần do xe không được đăng kiểm đúng thời hạn. Độc giả Huy nhấn mạnh: “Các bác tài ơi, dù lái taxi, xe buýt hay bất cứ phương tiện gì khác, xin hãy lái bằng cả con tim. Đừng chen lấn, giành khách hay vì lý do nào mà phòng nhanh, vượt ẩu. Nỗi đau tai nạn để lại cho người bị nạn cũng như gia đình họ là vô cùng lớn”.
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, trong năm 2013, trên địa bàn xảy ra 62 vụ tai nạn liên quan đến xe buýt, trong đó có nhiều vụ gây chết người. Từ đầu năm 2014 đến ngày 20/3 đã có 12 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt, làm 4 người ở TP.HCM thiệt mạng.
Xe bus là hung thần không hẳn saiMình là người thường xuyên và gần 3 năm nay ngày nào cũng đi học bằng xe bus, nói xe bus là hung thần không hẳn là sai vì mình không hiểu hết được nỗi đau của những người từng gặp họa hay mất người thân vì xe bus, nhưng cũng đừng vì vậy mà quá lên án hay gay gắt đối với những chú tài xế.Mình biết có những người chạy rất ẩu, họ đáng trách, nhưng nếu cứ quy chung thì còn rất nhiều chú tài xế phải chịu thiệt thòi.Thiết nghĩ nếu nhìn vấn đề từ trên xe bus, sẽ thấy một hiện thực xấu hơn nhiều, những người đi bus không có ý thức, đến sát trạm rồi mới la lên cho xuống khiến tài xế phải tấp gấp vào, hay những người đón thấy xe tới trước mặt mới vẫy, đúng, tài xế có quyền không ghé, không tấp, không đón hay không trả khách, nhưng thái độ của hành khách thì khó chấp nhận khi họ sai mà vẫn la lối trên bus.Chú tài xế có người khó tính, mặc kệ hành khách chửi bới, họ làm đúng quy tắc, cũng có người thấy tội nghiệp dù hành khách sai nên tấp nhanh vào cho họ xuống hay đón họ ở 1 chỗ không phải trạm. Về giao thông, ý thức của mỗi người cần lắm, xử phạt là 1 chuyện, cái ý thức phải ăn sâu vào con người thì mới mong không thấy những tai nạn như vậy nữa.Độc giả July
Đăng nhận xét