JSON Variables

Giáo dục tính ích kỷ?

Từ nhỏ, tui hay tự hỏi mình là tại sao đi học lại phải xếp hạng Nhứt, hạng Nhì, hạng Ba hàng tháng. Tui tự liệt kê ra cho mình một số câu trả lời đại loại như để tuyên dương thành tích học tập, để khích lệ các bạn học giỏi, để phụ huynh có cái mà tự hào với con nhà người ta. Cho đến một ngày, tui coi phim Thế Giới Bí Mật của Alex Mark thì để ý thấy trường học trong phim không có xếp hạng, mà thay vào đó cuối năm họ trao học bổng cho một số học sinh có thành tích tốt, còn điểm thi hoặc xếp loại thì được cho vào phong bì gửi riêng cho từng học sinh.

Lớn lên một chút, biết nghĩ hơn một chút, tui bắt đầu hiểu ra vì sao ở nước ngoài, hoặc ít ra là trong các phim Âu Mỹ có yếu tố giáo dục, họ không xếp hạng học sinh và đọc điểm công khai như ở ta. Vì một lẽ đơn giản, họ muốn tất cả người học được đối xử như nhau và tôn trọng sự khác biệt của từng cá nhân cụ thể. Còn ở ta thì ngược lại, việc xếp hạng và thông báo công khai đã ngấm ngầm phân loại lớp học ra 3 kiểu học sinh: “niềm tự hào của gia đình và nhà trường”, “học tàn tàn lên lớp tà tà” và “ngu lâu dốt bền khó đào tạo”.

Nhóm 1 sẽ được thầy cô yêu mến và chăm bồi, luôn nhớ rõ từng cái tên giọng nói. Nhóm 2 được đưa vào diện nên đi học thêm để bồi dưỡng kiến thức và phấn đấu vào nhóm 1. Và tội nghiệp nhất là nhóm 3 bị xem như con rơi con nhặt sống chết mặc bây, là thành phần cá biệt và về lâu dài sẽ không ngóc đầu lên nổi trong xã hội. Các bạn Nhóm 3 sẽ thường xuyên bị gọi lên bảng trả bài, mà thực ra là lên diễn hài kịch cho thầy cô và chúng bạn. Học tập là một chặng đường dài, nhưng việc bị chỉ mặt đặt tên là kẻ thất bại ngay từ những năm tháng đầu đời, khi sức đề kháng với áp lực tinh thần chưa cao, đã vô tình đẩy những học sinh trong nhóm 3 vào vòng xoáy bạn bè chê cười, thầy cô khiển trách, gia đình thì mang nhục với hàng xóm vì có đứa con tệ lậu.

Giáo dục tính ích kỷ?

Đó là câu chuyện của nhóm 3, còn những thành phần ưu tú của nhóm 1 cũng chẳng khá hơn là mấy. Chỉ cần một lần rớt khỏi tốp 3, gần như ngay lập tức thầy cô và gia đình sẽ rung hồi chuông cảnh tỉnh về sức học sa sút và có vẻ ham chơi hơn ngày xưa. Các bạn sẽ bị ép học bài khuya hơn, đi học thêm nhiều hơn và tuyệt đối không được nhắc đến chuyện đi chơi hay đọc truyện, tất cả vì một mục tiêu lấy lại vị thế đã mất. Phụ huynh không quan tâm con cái họ mệt mỏi như thế nào để chạy theo mớ kiến thức đồ sộ kia. Giáo viên không quan tâm học trò họ tổn thương tinh thần như thế nào khi bị mắng nhiếc và đì cho chết từ năm này qua tháng nọ.

Cuối cùng, kết quả học tập của bọn trẻ trở thành hào quang để người lớn ganh đua. Con anh học thua con tôi nghĩa là anh dạy con không bằng tôi, và nghĩa là anh cũng không bằng tôi. Lớp cô có học sinh xếp loại Yếu nhiều hơn lớp tôi, nghĩa là khả năng chủ nhiệm của cô kém hơn của tôi, vậy thì làm sao cô đủ trình độ để nói chuyện với tôi. Cứ thế, người lớn tiêm vào đầu lũ trẻ thứ triết lí “chỉ có học giỏi thì mới thành công, mới làm người lớn nở mày nở mặt”. Họ sẽ khen ngợi hết lời khi con được điểm 10, và im lặng hoặc nặng hơn là chửi mắng khi con điểm 5, điểm 6. Đứa học giỏi thì sẽ giỏi suốt đời, đứa học dốt thì sẽ dốt suốt đời, và nếu chỉ giỏi bơi lội, điền kinh mà không giỏi văn giỏi toán thì được đưa vào diện “đầu óc ngu si tứ chi phát triển”. Người lớn quên mất rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều khác biệt, và cuốn sách giáo khoa vĩ đại nhất không phải nằm trên bàn giáo viên, mà là ở cánh đồng, ở lề đường, ở sân bóng đá và ở chính tấm gương của người lớn.

Và rồi bọn trẻ lớn lên, chúng sẽ mang theo sự ích kỷ từ những năm tháng phải bon chen bằng mọi giá trên ghế nhà trường cho vừa lòng người khác và phản chiếu vào chính đời sống thường ngày. Khi ra đường, chúng sẽ bóp còi inh ỏi để vượt mặt một ai đó chạy chậm hơn. Khi xếp hàng trong siêu thị, chúng sẽ tìm một lí do kiểu như “mua có mấy món” hoặc “nhà có việc gấp” để được thanh toán trước. Khi đi thang máy, chúng sẽ ùa vào trong trước khi người bên trong kịp bước ra ngoài. Khi đổ xăng, chúng sẽ hùng hổ đẩy xe len lên trước bất kể có người đã đợi sẵn để lấp vào chỗ trống. Khi buôn bán, chúng chọn cách cạnh tranh bằng giá bất chấp có thể giảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tiêu diệt đối thủ. Và khi làm cha làm mẹ, chúng lại dạy con chúng bài học vở lòng năm xưa “chỉ có học giỏi thì mới thành công, mới làm người lớn nở mày nở mặt…nhé con!”….

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn