Ba nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone cài sẵn ứng dụng cho phép tải thông tin và tính phí, thu hàng trăm tỉ đồng; chấp nhận cho đăng ký thuê bao bằng CMND họ tên không có thực, ảnh và tên trên CMND phản cảm, tục tĩu...
Một cửa hàng bán USB 3G và sim 3G của các nhà mạng trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Theo báo cáo tổng kết đợt thanh tra được thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) phát hiện trong đợt thanh tra diện rộng về quản lý, đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước trên phạm vi toàn quốc, cho đến nay cả nước có hơn 120 triệu thuê bao di động, trong đó có gần 114 triệu thuê bao di động trả trước.
Lợi dụng việc buông lỏng quản lý, nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng sim điện thoại di động trả trước như là công cụ, phương tiện để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, quấy rối, lừa đảo, trộm cắp cước viễn thông quốc tế, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, phát tán tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung cờ bạc, lô đề, dâm ô đồi trụy... gây thiệt hại cho người sử dụng, đồng thời làm mất trật tự an ninh, an toàn xã hội...
Từ chối vẫn bị nhận tin quảng cáo
Tại ba doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần đa số, thanh tra Bộ TT&TT xác định có nhiều sai phạm về dịch vụ nội dung. Cụ thể, thanh tra Bộ TT&TT đã yêu cầu Vinaphone hoàn lại tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng số tiền gần 693 triệu đồng.
Tuy nhiên vẫn còn gần 77 triệu đồng không hoàn lại được do chủ thuê bao đã rời mạng. Tương tự, mạng MobiFone cũng phải hoàn lại gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.
Đối với Viettel, tình trạng thu cước người sử dụng đối với các tin nhắn này vẫn tồn tại. Nhà mạng này vẫn tiếp tục gửi quảng cáo cho người sử dụng mặc dù chủ thuê bao đã nhắn tin từ chối nhận tin nhắn quảng cáo.
Đáng chú ý, tình trạng tích hợp ứng dụng trên sim của các nhà mạng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra tồn tại ở cả ba nhà mạng chiếm thị phần chi phối.
Tại Vinaphone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỉ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỉ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.
Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus do nhà mạng cài đặt sẵn trên sim điện thoại, bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.
Nhiều tên phản cảm, tục tĩu
Đối với việc đăng ký thông tin thuê bao, sai phạm chủ yếu gồm thông tin thuê bao không có ảnh CMND, hộ chiếu; nhiều ảnh CMND nhòe, không đọc được hoặc chỉ có CMND một mặt.
Thậm chí có trường hợp họ tên không có thực vẫn được cung cấp dịch vụ hoặc nhiều số thuê bao có thông tin khác nhau nhưng sử dụng chung một ảnh CMND, đặc biệt có trường hợp thuê bao trên 100 tuổi vẫn khai báo như tại Vinaphone. Tại Vinaphone, thanh tra còn phát hiện thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu không đúng với thông tin trong CMND...
Tại MobiFone và Viettel, thanh tra phát hiện việc chấp nhận giấy tờ không phải CMND hoặc CMND đã hết hạn để đăng ký. Nhiều thuê bao họ tên không có thực, thậm chí sử dụng những từ rất phản cảm, tục tĩu nhưng vẫn được đăng ký dịch vụ.
Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp di động phải xây dựng hệ thống kỹ thuật nhằm tự kiểm tra, giám sát, phát hiện với các thuê bao có dấu hiệu sai phạm và xử lý nghiêm. Đồng thời các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng ngăn chặn các thuê bao giả lập từ nước ngoài lợi dụng mạng Internet để gọi, nhắn tin, nháy máy với mục đích lừa đảo.
إرسال تعليق