JSON Variables

Phản bội

Cách đây nhiều năm, hồi đang làm một anh phóng viên quèn cho một tờ tuần báo dành cho sinh viên, có một câu chuyện khiến mình nhớ mãi và có lẽ sẽ khó quên về nó.

Trong một chuyên đề nhân ngày 20-11, với tên gọi thật mỹ miều - Ngày hiến chương các nhà giáo, anh Thư ký tòa soạn lúc đó lên một ý tưởng chuyên đề khá sốc - Khi thầy trò yêu nhau. Chuyên đề tập trung khai thác những câu chuyện tình yêu nảy sinh từ giảng đường đại học. Báo phát hành được vài ngày, chú Tổng biên tập vào phòng khen anh Thư ký, “mày nghĩ ra chuyên đề hay đấy”. Lúc đó mình cũng đang ngồi trong phòng, dù không đóng góp gì cho chuyên đề, nhưng cũng được thơm lây.

Cuối tuần họp giao ban, chuyên đề bị thổi còi, bị phạt nặng vì tội “vẽ đường cho hươu chạy”. Các cuộc họp giao ban cuối tuần nói chung vừa căng thẳng, vừa buồn chán nhưng đôi lúc lại rất hài hước. Hài hước nhất là đến đoạn chú TBT đọc trong tuần qua tờ nào bị thổi còi. Ví dụ như có tuần, có tờ tuần báo bị phạt nặng vì tội giật tít và layout. Bài trên là “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” nhân ngày sinh của bác Hồ, tít dưới là “Xác ướp Ai Cập trở lại” điểm cái phim bom tấn Hollywood đang ăn khách hồi đó. Cứ thế mà lăn ra cười.

Phản bội

Nhưng cái tuần chuyên đề “Thầy trò yêu nhau” bị phạt thì cười không nổi. Cả ban bị khiển trách nặng nề, mình vẫn nhớ lời khen của chú TBT hồi đầu tuần, thế mà cuối tuần, trong buổi họp, chú mắng anh Thư ký tòa soạn xơi xơi “Tôi không hiểu anh nghĩ gì lại đi làm cái chuyên đề ấy?” cùng với nhiều lời lẽ nặng nề khác mà mình không nhớ nguyên văn.

Áp lực khiến người ta nhiều lúc không giữ được mình, thậm chí phản bội mình. Với những người có tí quyền lực, chức vị, áp lực từ cấp trên lúc nào cũng đáng sợ nhất và đôi lúc họ sẵn sàng bán đứng một số đứa cấp dưới.

Trong thời buổi mạng xã hội gần đây, áp lực đến từ những trò ném đá trên mạng xã hội khiến một số kẻ, thay vì bảo vệ sự riêng tư và bảo mật thông tin của khách hàng thì trở thành kẻ phản bội đi cung cấp thông tin và bán đứng khách hàng của họ cho truyền thông.

Câu chuyện về 2 người ăp cắp kính mát bị bắt ở Thụy Sĩ tất nhiên là nhục nhã cho cá nhân họ và ít nhiều là sự nhục nhã mang tính quốc gia. Nhưng một hướng dẫn viên du lịch đi cung cấp hình ảnh và kể tông tốc chuyện họ ăn cắp và bị bắt như thế nào là một sự phản bội không thể tha thứ được.

Tương tự, chuyện cô ca sĩ để con tè trên máy bay bị một hành khách đi cùng chụp hình và bóp méo theo cách của anh ta dù bỉ ổi nhưng ít nhiều vẫn chấp nhận được (vì nó diễn ra trước mắt anh ta và ai biểu mày là ngôi sao). Ở nước ngoài cũng thế thôi, các hành vi của ngôi sao ở công cộng thì không còn là quyền riêng tư nữa. Tuy nhiên, việc một thanh tra Cục không quốc gia, trước áp lực dư luận đi cung cấp thông tin quyết định phạt tiền khách hàng của mình là một hành động phản bội (nếu như phạt sau chuyến bay đó thì không nói làm gì).

Trong một vụ xử án ở tòa, bị cáo dù khép tội giết người vẫn có luật sư bảo vệ và tìm mọi cách để chứng minh sự vô tội của thân chủ của mình. Anh ta có thể thua cuộc, nhưng anh ta không được phép phản bội thân chủ.

Với hai câu chuyện ầm ĩ ở trên, một hướng dẫn viên du lịch sống bằng tiền của du khách và một Cục hàng không sinh lời từ vé của khách đi máy bay, cho dù họ sai, cũng phải bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của họ trước, cho dù áp lực của dư luận có thể khủng khiếp đến đâu. Pháp luật có thể xử phạt họ, đám đông có thể lên án họ, nhưng bằng mọi giá, phải bảo vệ thân chủ và khách hàng của mình - thế mới gọi là phải đạo. Chứ hùa theo dư luận để bán đứng khách hàng của mình, thì gọi phản bội là nhẹ, đó là những hành động hèn hạ không thể tha thứ được.

Post a Comment

أحدث أقدم